Văn hóa doanh nghiệp tạo ra 30% hiệu quả hoạt động

Tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu” do Báo Văn hóa phối hợp Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 11.9, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh không ít doanh nghiệp “lao đao” vì dịch Covid-19, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Văn hóa là yếu tố căn bản trong quản trị doanh nghiệp

Theo Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA Nguyễn Đình Thành, văn hoá là yếu tố then chốt làm nên sự thịnh vượng lâu dài và thành công của một công ty. Văn hóa có thể tạo ra 20 - 30% sự khác biệt về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Một nghiên cứu gần đây với trên 207 công ty trong 11 năm cho thấy, các công ty có văn hoá cởi mở so với các công ty có văn hoá khép kín. Doanh thu, giá cổ phiếu, thu nhập ròng của các công ty có văn hoá cởi mở đều có mức tăng trưởng kỷ lục. Khi khách hàng đã hài lòng, cái được lớn nhất của doanh nghiệp nhất chính là sự tin tưởng. Khi đó họ có thể lên tiếng bảo vệ doanh nghiệp trong trường hợp sự cố hay khủng hoảng truyền thông.

Cùng quan điểm này, PGS. TS. Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng nhất của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý điều hành, là yếu tố căn bản trong công tác quản trị doanh nghiệp để dẫn dắt sự phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí mà còn là "làn sóng" giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhanh, chính xác các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng quản trị doanh nghiệp toàn diện, hiệu quả và điều không thể thiếu là cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý. Dù vậy, robot vẫn không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng như niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối… Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp. Yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, chừng nào còn sự xuất hiện của con người thì chừng đó yếu tố văn hóa vẫn tồn tại. Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho robot.

Mặt khác, có thể thấy rằng, hiện nay dịch Covid- 19 cũng làm thay đổi mạnh mẽ văn hóa doanh nghiệp. Chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp Lê Quang Vũ chỉ ra, khủng hoảng Covid- 19 là cơ hội để nhìn vào bên trong tổ chức và sẵn sàng cho những thay đổi. Cụ thể, các công ty đang thay đổi cách làm việc sau dịch Covid- 19 như trao quyền và tăng khả năng tự chủ của nhân viên; linh hoạt với chế độ làm việc từ xa; bổ sung các lợi ích tinh thần cho nhân viên; tăng cường môi trường làm việc số.

Văn hóa doanh nghiệp tạo ra 30% hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó. Nguồn: ITN

Doanh nghiệp phải sở hữu tầm nhìn về công nghệ 

Theo Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA Nguyễn Đình Thành, văn hoá doanh nghiệp nên bao gồm những thành tố sau: Văn bản về nền tảng thương hiệu; văn bản về lịch sử thương hiệu; các văn bản quy định, nội quy, quy trình chuẩn; các giá trị cốt lõi; sổ tay văn hoá hành xử, ứng xử trực tiếp và trực tuyến (online và offline); tài liệu đào tạo định hướng; hệ thống quản trị chất lượng. Tất cả đi kèm với một hệ thống truyền thông nội bộ rõ ràng về chiến lược và chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), minh bạch về thông tin, chính xác về nhiệm vụ. Trong các yếu tố trên, tầm nhìn hay mục đích cốt lõi của doanh nghiệp và nhiệm vụ cần hoàn thành được ví như trụ cột quan trọng nhất, xoay quanh nó là 6 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Trần Quang Dũng cho biết, văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Thực tế cho thấy, không một thương hiệu mạnh nào lại không có nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Với PVN, thương hiệu mạnh là thương hiệu phải có giá trị văn hóa và ngược lại giá trị văn hóa phải bền vững gắn kết với thương hiệu. Đó là mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Khủng hoảng kép từ đại dịch Covid- 19 và giá dầu giảm sâu từ đầu năm 2020 đặt ra thách thức đối với sự ứng phó biến động của PVN. Trong đó, văn hóa tiếp nhận, xử lý công việc trên nền tảng công nghệ số đã làm giảm đi sự trì trệ, minh bạch trong giải quyết công việc cũng như những khó khăn này.

Để văn hóa doanh nghiệp thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh Dương Thị Liễu cho rằng, các doanh nghiệp phải sở hữu tầm nhìn về công nghệ. Cụ thể, phải cải tiến liên tục quy trình vận hành đem lại hiệu suất và hiệu quả cao; tạo ra môi trường làm việc đa dạng hóa và lành nghề; lãnh đạo có tầm nhìn và năng lực định hướng tương lai rõ ràng hơn; doanh nghiệp luôn hướng đến sự tăng trưởng và đổi mới; đưa khách hàng làm trọng tâm là điều khả thi; mang đến những lợi ích hợp tác tốt đẹp.

Để đạt được những lợi ích nêu trên, lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu rõ những công nghệ mới hiện nay cũng như bản chất của nó, từ đó mới có thể ứng dụng thành công vào văn hóa, quy trình vận hành của doanh nghiệp. Như vậy, những thuật ngữ về công nghệ không chỉ dành riêng do giới công nghệ thông tin mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải cần tìm hiểu để ứng dụng. Mặt khác, thay đổi văn hóa trong các doanh nghiệp sẽ luôn chậm chạp và phức tạp hơn những thay đổi công nghệ. Vì thế các nhà lãnh đạo cần có lập trường tiên phong về văn hóa. Có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể, có tư duy sẵn sàng và khả năng ảnh hưởng đến những người xung quanh đồng tình với mình, PGS. TS. Dương Thị Liễu nhấn mạnh thêm.

Theo Daibieunhandan

Các chủ đề phổ biến

Góp ý cải thiện sản phẩm Thông tin tài khoản Đăng xuất
Chính sách bảo mật Điều khoản sử dụng
Hệ thống đánh giá văn hóa doanh nghiệp